Y khoa, dược - Sức khỏe: Quan niệm và triển vọng cho y tế công cộng

Một sức khỏe (One Health) gần đây được thảo luận nhiều ở các diễn đàn khoa học quốc tế và khu vực và thu hút được sự quan tâm. Đây là một hướng phát triển và ứng dụng quan trọng trong thời gian tới trong việc chăm sóc sức khỏe con người dựa vào sự phối hợp và hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường. Bài báo sẽ giới thiệu những điểm cơ bản của khái niệm

Một sức khỏe gắn liền với lịch sử phát triển của nó. Bài báo cũng thảo luận một số hoạt động liên quan đến Một sức khỏe ở Việt Nam đã và đang được triển khai trong lĩnh vực quản lí và can thiệp các bệnh mới nổi cũng như các chương trình đào tạo liên quan.

Cuối cùng, chúng tôi sẽ thảo luận những thách thức ở phía trước của viêc ứng dụng một sức khỏe trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu liên quan đến y tế công cộng và nhấn mạnh sự quan trọng của tính xuyên ngành trong áp dụng cách tiếp cận này

pdf 9 trang Bích Huyền 01/04/2025 320
Bạn đang xem tài liệu "Y khoa, dược - Sức khỏe: Quan niệm và triển vọng cho y tế công cộng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • pdfy_khoa_duoc_suc_khoe_quan_niem_va_trien_vong_cho_y_te_cong_c.pdf

Nội dung text: Y khoa, dược - Sức khỏe: Quan niệm và triển vọng cho y tế công cộng

  1. Một sức khỏe: Quan niệm và triển vọng cho y tế công cộng Nguyễn Việt Hùng*; Lê Vũ Anh** Một sức khỏe (One Health) gần đây được thảo luận nhiều ở các diễn đàn khoa học quốc tế và khu vực và thu hút được sự quan tâm. Đây là một hướng phát triển và ứng dụng quan trọng trong thời gian tới trong việc chăm sóc sức khỏe con người dựa vào sự phối hợp và hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường. Bài báo sẽ giới thiệu những điểm cơ bản của khái niệm Một sức khỏe gắn liền với lịch sử phát triển của nó. Bài báo cũng thảo luận một số hoạt động liên quan đến Một sức khỏe ở Việt Nam đã và đang được triển khai trong lĩnh vực quản lí và can thiệp các bệnh mới nổi cũng như các chương trình đào tạo liên quan. Cuối cùng, chúng tôi sẽ thảo luận những thách thức ở phía trước của viêc ứng dụng một sức khỏe trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu liên quan đến y tế công cộng và nhấn mạnh sự quan trọng của tính xuyên ngành trong áp dụng cách tiếp cận này. Từ khóa: Một sức khỏe; y tế công cộng; hợp tác xuyên ngành; thú y; bệnh truyền lây từ động vật sang người. One Health: concept and perspectives for public health Nguyen Viet Hung*; Le Vu Anh** One Health has recently been discussed at many regional and international conferences and attracted attention and investment of different stakeholders. This is an important development and application in improving health through the understanding of the close links among human, animal and environmental health. This paper introduces the main concept of One Health and the history of its development. We discuss past and ongoing activities related to One Health in management and interventions for emerging infectious and zoonotic diseases, as well as the training programs in Vietnam. Finally, we present challenges ahead when applying One Health in training and research in public health and emphasize the importance of transdisciplinarity for One Health application. Keywords: One Health; public health; trans-disciplinarity; veterinary medicine; zoonotic diseases. Tác giả: *TS. Nguyễn Việt Hùng: Bộ môn Môi trường và Sức khỏe, Đại học Y tế công cộng, 138 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Email: nvh@hsph.edu.vn và Viện Nhiệt đới và Y tế công cộng Thụy Sỹ (Swiss TPH). Socinstrasse 57 P.O. Box 4002 Basel, Thụy Sỹ **GS. TS. Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng, Đại học Y tế công cộng. 138 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Email: lva@hsph.edu.vn 1
  2. Đặt vấn đề Trong bối cảnh của những biến đổi phức tạp của môi trường toàn cầu, các dịch bệnh mới nổi, đặc biệt là các bệnh truyền lây giữa động vật và người là những mối đe dọa cho sức khỏe con người. Khoảng 150-300 các bệnh truyền nhiễm ở người hiện đã thống kê được (65-70%) là các bệnh lây truyền lây từ động vật sang người [11;16]. Mối liên quan giữa con người, động vật nuôi, gia súc và động vật hoang dã và các môi trường xã hội và sinh thái là mối quan hệ phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến việc lây truyền giữa động vật và người nói riêng, cũng như các vấn đề sức khỏe nói chung [21]. Các bệnh mới nổi và các bệnh truyền lây từ động vật sang người đã gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thiệt hại về kinh tế này không chỉ dừng lại ở những chi phí trực tiếp cho sức khỏe. Những mất mát kinh tế từ việc nghỉ làm, giao thông vận tải và thương mại toàn cầu được ước tính trong năm 2002-2003 do SARS là 11 tỉ đô la Mỹ; còn tác động kinh tế của bệnh truyền nhiễm đối với con người, động vật nuôi và trồng trọt thiệt hại lên tới 41 tỉ đô la hàng năm [8;13]. Như vậy làm thế nào để kiểm soát một cách hiệu quả các bệnh truyền lây từ động vật sang người là việc quan trọng trong công tác y tế và nông nghiệp ở mỗi quốc gia. Các nước đang cố gắng tự bản thân mình cũng như hợp tác với các nước khác để kiểm soát bệnh tật một cách hiệu quả bằng cách sử dụng những cách tiếp cận toàn diện, phối hợp đa ngành, tích hợp đối với sức khỏe con người và động vật cũng như các bối cảnh xã hội và môi trường của chúng. “Một sức khỏe” (One Health) là cách tiếp cận đang thu hút được nhiều sự chú ý ở các diễn đàn khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức nông lương thế giới (FAO) và Tổ chức sức khỏe động vật thế giới (OIE) cũng như các tổ chức phát triển quốc tế lớn ở phạm vi toàn cầu cũng đang hợp tác với nhau để khuyến khích việc dùng cách tiếp cận này trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hội nghị quốc tế về Một sức khỏe lần đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 2 năm 2011 tại Melbourne, Úc với sự tham dự của hơn 600 đại biểu đến từ nhiều quốc gia và có đại diện của nhiều tổ chức quan trọng của Liên hợp quốc liên quan đến sức khỏe con người và động vật [3]. Vì vậy, Một sức khỏe được coi là một hướng phát triển và ứng dụng quan trọng trong thời gian tới trong việc chăm sóc sức khỏe con người dựa vào sự phối hợp hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường. Tuy có tầm quan trọng và thu hút nhiều sự chú ý như vậy, ở cấp quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nơi mà Một sức khỏe được coi là sẽ được áp dụng nhiều hơn vì các bệnh mới nổi chủ yếu được phát hiện lần đầu tiên ở những vùng này, hiểu biết và áp dụng Một sức khỏe như thế nào và triển khai ra sao lại chưa thực sự được hiểu và quan tâm đúng mức. Bài báo sẽ giới thiệu những điểm cơ bản của khái niệm Một sức khỏe gắn liền với lịch sử phát triển của nó. Chúng tôi cũng đề cập một số hoạt động đã và đang triển khai về Một sức khỏe ở Việt Nam. Cuối cùng, chúng tôi sẽ thảo luận những thách thức ở phía trước của việc ứng dụng một sức khỏe trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu liên quan đến Y tế công cộng. Một sức khỏe: lịch sử phát triển và định nghĩa Quá trình hình thành và phát triển của khái niệm Một sức khỏe đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Người Ai Cập khoảng1.800 năm trước công nguyên đã có những ý tưởng liên quan đến cách chữa bệnh chung cho người và động vật hay Trung Quốc đã phát triển ngành thú y thành một ngành riêng ở khoảng thế kỷ 11 đến 13 [23]. Ông Claude de Bourgelat là người thành lập trường học thú y đầu tiên năm 1762 tại Lyon, Pháp và ông đã bị chỉ trích nặng nề khi đưa các giáo trình y học người dạy cho sinh viên thú y. Thế kỷ 19 với sự ra đời của ngành bệnh học tế bào, các nhà khoa học như Rudolf Virchow đã đi theo hướng nghiên cứu kết hợp các ngành khoa học về sức 2
  3. khỏe con người và khoa học thú y dựa trên sự phát hiện về sự giống nhau của các quá trình bệnh giữa con người và động vật [14]. Tuy nhiên người phải chờ đến năm 1976, Clavin Schwabe mới là người chính thức có một ý tưởng thông suốt về khái niệm “one medicine” (tạm dịch là Một y học), mô tả mối tương tác hệ thống giữa con người và động vật về các mặt như dinh dưỡng, sinh kế và sức khỏe [15]. Thực ra khái niệm một y tế được phát triển khi Clavin Schwabe làm việc với những người chăn thả du mục ở châu Phi. Ngày nay, hình thức chữa bệnh cổ xưa cho người và động vật vẫn được thực hiện tại các cộng đồng du mục truyền thống bên châu Phi [23]. Xét về góc độ quan điểm thì về cơ bản là không có sự khác biệt giữa khoa học về y học và thú y. Cả hai ngành khoa học này đều có chung những kiến thức cơ bản về giải phẫu, sinh lý, bệnh học và nguồn gốc bệnh tật ở tất cả các loài [15] (Hình 1). Hình 1. Y học và thú y theo quan điểm của Clavin Schwabe (1976) Như vậy khái niệm một y tế được hiểu trong phạm vi tương đối hẹp vì nó liên quan nhiều đến những kiến thức cơ bản chung về các môn nói trên và dừng lại nhiều hơn ở cấp độ cá thể của con người và động vật. Bây giờ nếu chúng ta đặt vấn đề sức khỏe con người và sức khỏe động vật trong bối cảnh có sự tương tác giữa con người, động vật và cả môi trường sống của chúng thì khái niệm một y tế sẽ trở thành khái niệm “Một sức khỏe”. Một sức khỏe được hiểu là những cố gắng trong sự phối hợp đa ngành ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và khu vực để đạt được một sức khỏe tối ưu cho con người, động vật môi trường. Đây là định nghĩa trong khung chiến lược để giảm thiểu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm giữa động vật-con người-hệ sinh thái đã được phát triển tại Hội nghị các bộ trưởng thế giới về các bệnh truyền nhiễm tại Sharmel-Sheikh tháng 10 năm 2008 và được chấp nhận rộng rãi hiện nay [9]. Tuy nhiên còn có nhiều định nghĩa khác nhau về một sức khỏe vì nó được hiểu theo hướng một sức khỏe sẽ được áp dụng trong lĩnh vực cụ thể nào. Ví dụ tại hội nghị quốc tế về một sức khỏe tại Melbourne tháng 2/2008, đã có một buổi thảo luận dài về định nghĩa này. Dưới góc độ bệnh lây truyền từ động vật sang người, một sức khỏe được hiểu là sự dự phòng các bệnh lây truyền từ động vật sang người bằng việc kiểm soát sự lây nhiễm và bệnh ở các quần thể động vật trong hệ sinh thái [3]. Nhìn một cách tổng quát, Một sức khỏe là một khái niệm rộng, phản ánh bất kì mối quan hệ nào giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường (Hình 2). Từ góc độ y tế công cộng, mục tiêu cuối cùng của một sức khỏe sẽ là làm thế nào để có một sức khỏe con người tốt nhất. Hay nói cách khác, sức khỏe con người là trung tâm và được đặt nó trong mối quan hệ với sức khỏe động vật và môi trường. Dưới góc độ của thú y thì lĩnh vực thú y cộng đồng (Veterinary public health) được coi là những đóng góp của thú y cho y tế công cộng trong cách tiếp cận một sức khỏe. Khi nói đến sức khỏe động vật, chúng ta cần phải hiểu là sức khỏe của cả động vật nuôi và động vật hoang dã và đây là lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Sức khỏe con người và sự bảo tồn bền vững các động vật hoang dã trong các khu bảo tồn tự nhiên cũng là mối quan hệ tương hỗ quan trọng. Rất nhiều các tác nhân gây bệnh có tiềm năng trở thành vũ khí sinh học là các vi sinh vật có khả năng lây từ động vật sang người và đây lại liên quan đến lĩnh vực an ninh, cần các biện pháp phát hiện sớm và xử lý nhanh chóng [12]. Mối quan hệ của sức 3
  4. khỏe với môi trường cũng được hiểu theo nghĩa rộng của một hệ sinh thái nơi mà con người, động vật và các điều kiện sống có quan hệ tương hỗ với nhau, đây chính là quan điểm về sức khỏe hệ sinh thái (ecohealth) [5]. Sức khỏe môi trường Thú y Y tế Một y tế Sức khỏe (One Medicine) Sức khỏe động vật người Một sức khỏe (One Health) Hình 2. Từ quan niệm một y tế (one medicine) đến quan niệm một sức khỏe (one health). Vì những vấn đề sức khỏe toàn cầu hiện nay, đặc biệt là vấn đề bệnh truyền nhiễm mới nổi gần đây như SARS, cúm gia cầm H5N1, cúm H1N1, Nipah, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội toàn cầu mà Một sức khỏe đang được kì vọng áp dụng như là một cách tiếp cận chính chỉ để xử lý các bệnh này. Tuy nhiên, theo định nghĩa nêu trên thì Một sức khỏe phải được hiểu rộng ra như là một cách tiếp cận đa ngành và có phổ ứng dụng vượt qua các vấn đề của các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ví dụ các vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến chuỗi thức ăn từ môi trường bị ô nhiễm hóa học, chất ô nhiễm tích tụ trong động vật và con người tiêu thụ sản phẩm động vật bị nhiễm độc chất gây nên những ảnh hưởng sức khỏe của con người cũng cần được xem xét dưới góc độ của quan điểm Một sức khỏe để có cách quản lí hiệu quả giảm thiểu nguy cơ [17]. Các hoạt động Một sức khỏe ở Việt Nam và y tế công cộng Những hoạt động quản lí và can thiệp các bệnh truyền nhiễm Tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, một số hoạt động về một sức khỏe cũng đã được khởi xướng để thông tin và thảo luận về ứng dụng của cách tiếp cận này trong việc phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền lây giữa động vật sang người. Đông Nam Á là một trong những điểm nóng (“hotspot”) của bệnh truyền nhiễm, nơi mà các bệnh mới nổi và những bệnh nổi lại như SARS, cúm gia cầm H5N1, Nipah xuất hiện và lây truyền sang các vùng khác trên thế giới [6]. Vì vậy cách tiếp cận một sức khỏe có triển vọng trong việc phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây truyền. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với Bộ Y tế Việt Nam đã 4
  5. từng được các tổ chức quốc tế như WHO, FAO, OIE đánh giá là đã có phối hợp tốt với nhau và kiểm soát thành công các đợt dịch bệnh như SARS và sau này là cúm H5N1 [19]. Ngoài những hợp tác giữa hai ngành y tế và nông nghiệp ở cấp bộ với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình theo dõi và kiểm soát bệnh truyền nhiễm đặc biệt là cúm gia cầm trong những năm qua, các chương trình mới ở phạm vi quốc gia với sự đầu tư kinh phí và cố gắng của nhà nước vẫn đang tiếp tục được phát triển. Ví dụ từ năm 2006-2010, chương trình phối hợp hành động quốc gia cho cúm gia cầm (OPI) đã được xây dựng và triển khai với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và đã thu được những thành công nhất định trong việc hạn chế các ca mắc cúm ở gia cầm và người. Tiếp theo đó, chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống cúm gia cầm, phòng ngừa đại dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi (AIPED) giai đoạn 2011-2015 đang được tiến hành với một kinh phí khá lớn (387 triệu đô la Mỹ) mà chính phủ Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 50% lượng kinh phí này. Điều đặc biệt thú vị của AIPED là cách tiếp cận một sức khỏe là xương sống xuyên suốt chương trình này [4]. Điều này có thể nói lên một điều là đã có một sự thay đổi nhận thức về Một sức khỏe ở cấp quốc gia, đặc biệt là bộ phận quản lí từ các bộ liên quan đến vấn đề này. Thật vậy, hai Bộ Y tế và Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với nhau tổ chức hội thảo “Bệnh lây truyền từ động vật sang người và xác định các hoạt động phòng chống ưu tiên” vào tháng 8 năm 2011. Các hoạt động này rất đúng với mục tiêu tới “Một thế giới - Một sức khỏe” của các tổ chức quốc tế và Chiến lược phòng chống bệnh mới nổi khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2010 trong đó việc phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người được coi là một trong tám hoạt động trọng tâm trong thời gian tới [20]. Một chương trình của cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) từ năm 2009 có tên “những mối đe dọa từ các bệnh mới nổi” (ETP) đang tập trung vào các điểm nóng về bệnh truyền nhiễm trong đó có Đông Nam Á. Chương trình này bao gồm các hoạt động phát hiện, phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó với các bệnh mới nổi và truyền lây giữa động vật sang người [18]. Trong khuôn khổ đó, đã có những hợp tác cụ thể giữa ETP và chính phủ Việt Nam đặc biệt là Bộ NNTPNN và Bộ Y tế để tăng cường các năng lực nói trên, đặc biệt là về khả năng phát hiện và phản ứng nhanh với dịch bệnh truyền nhiễm cũng như hợp tác giữa các ngành với nhau để giải quyết hiệu quả công việc. Những kí kết hợp tác mang tính chất quản lí và can thiệp đã được tiến hành giữa các bộ và chương trình ETP. Những hoạt động đào tạo và nghiên cứu Đào tạo ra nguồn nhân lực con người để họ làm việc hiệu quả, có khả năng thích ứng với hoàn cảnh cũng như có thể năng hợp tác với nhau để hoàn thành tốt một công việc chung là một điều tối quan trọng trong bất kì xã hội nào. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, gần đây đã có những câu hỏi về sự bất cập trong hệ thống đào tạo khoa học sức khỏe vì nguồn nhân lực được đào tạo ra không được trang bị những kĩ năng để đáp ứng với những vấn đề khẩn cấp như bệnh mới nổi, biến đổi khí hậu và họ cũng thiếu những kĩ năng cơ bản khi làm việc theo nhóm, thông tin với nhau và khả năng quản lí. Tất cả những thông tin này đã được trình bày chi tiết trong một báo cáo toàn diện đăng trên tạp chí Lancet [10]. Chúng tôi cho rằng về cơ bản thì đây cũng là những bất cập chung mà bên khối nhân lực của sức khỏe động vật cũng phải đối mặt và cũng không ngoại trừ cho các ngành khác. Xét về mặt nội dung thì trong các chương trình đào tạo hiện tại của các chuyên ngành sức khỏe và thú y đã có những nội dung liên quan đến Một sức khỏe. Ví dụ những môn như dịch tễ học, điều tra vụ dịch, an toàn thực phẩm, sức khỏe môi trường hay các môn khoa học xã hội là những môn cung cấp kiến thức cơ bản cho khái niệm một sức khỏe. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn những nội dung giảng dạy này phản ánh và hỗ trợ rõ được quan niệm Một sức khỏe này thì hệ thống đào tạo cần phải có những điều chỉnh về mặt nội dung và phương pháp giảng dạy hoặc tạo ra những môn học mới. Mạng lưới Một sức khỏe của các trường đại học Đông Nam Á cùng với các mạng lưới Một sức khỏe ở các nước thành viên đang được thành lập để thực hiện việc này. Một trong những nội 5
  6. dung hoạt động chính của mạng lưới vùng và quốc gia này sẽ tập trung vào việc làm thay đổi cách đào tạo và nội dung đào tạo sinh viên trong khối trường đào tạo sức khỏe và nông nghiệp. Mục tiêu lâu dài là sẽ đào tạo được những thế hệ sinh viên tốt nghiệp được trang bị những kiến thức theo hướng Một sức khỏe. Nghĩa là họ có một cách nhìn rộng về mối quan hệ sức khỏe con người, động vật và môi trường và có những kĩ năng hợp tác đa ngành để làm việc. Các mạng lưới này sẽ đi vào hoạt động trong những năm tới. Ở cấp độ nhỏ hơn, hiện nay chúng ta cũng đang có các chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) và dịch tễ học thú y ứng dụng (AVET). Các chương trình này trang bị cho những người làm công tác y tế và thú y những kiến thức và kỹ năng cơ bản về dịch tễ học để họ có thể ứng dụng trong công tác điều tra, theo dõi và ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, hai chương trình này có số người tham gia rất hạn chế so với nhu cầu hiện tại và trong tương lai của Việt Nam. Ví dụ, khóa đào tạo dịch tễ học thực địa đầu tiên vừa kết thúc sau 2 năm chỉ với 5 học viên tham gia và tốt nghiệp. Vì vậy nếu Một sức khỏe được đưa vào các trường đại học để giảng dạy thì trong tương lai chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực dồi dào hơn với những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho trong công tác chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động nghiên cứu một sức khỏe đi song song với đào tạo cũng cần phải được chú ý phát triển. Nghiên cứu có thể tiến hành những nghiên cứu trường hợp cụ thể để chỉ ra được một sức khỏe áp dụng trong thực tế như thế nào và hiệu quả của sử dụng một sức khỏe ra sao. Một số nghiên cứu một sức khỏe chỉ ra rằng sự phối hợp giữa y tế và thú y trong kiểm soát các bệnh như bệnh dại bên châu Phi và brucellosis ở Mông Cổ đã mang lại hiệu quả rất tốt về mặt chi phí lợi ích cũng như tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa hai ngành y tế và nông nghiệp [1;2]. Chúng ta có thể xem đây là một ví dụ để áp dụng trong hoàn cảnh ở Việt Nam. Thách thức và triển vọng của Một sức khỏe Mặc dù có những hỗ trợ cũng như động lực tốt từ phía các bên liên quan như đã trình bày ở trên nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức trước mắt để làm cho Một sức khỏe hoạt động được trong điều kiện thực tế cũng như áp dụng cách tiếp cận này trên diện rộng cho mục tiêu bảo vệ sức khỏe. Thực tế cho thấy rằng, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm. Các ca bệnh dại tại Việt Nam vẫn xảy ra và có xu hướng tăng lên trong năm 2011 mặc dù chúng ta đã biết là làm thế nào để kiểm soát bệnh này hiệu quả. Bệnh than vẫn tồn tại ví dụ chỉ tính riêng tháng 6 năm 2011, toàn tỉnh Lai Châu đã có 30 trường hợp người mắc bệnh nhiệt thán do ăn thịt trâu, ngựa và 2 trường hợp tử vong do kém hiểu biết về bệnh và ý thức chấp hành quy trình xử lí ổ dịch yếu, phối hợp không đồng bộ [7]. Như vậy còn có một khoảng cách lớn giữa kiến thức mà chúng ta đã có và áp dụng vào sức khỏe người và động vật [22]. Vì Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng của bệnh truyền nhiễm, nơi chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tăng dân số, đô thị hóa, di chuyển, và những thay đổi của môi trường như chăn nuôi và trồng trọt hay suy thoái tài nguyên thiên nhiên như phá rừng, làm đập thủy điện và rộng hơn nữa là biến đổi khí hậu. Những ảnh hưởng này là những yếu tố làm tăng quá trình xuất hiện và lây truyền bệnh tật [6]. Đây không chỉ ở cấp quốc gia mà còn là vấn đề toàn cầu vì các dịch bệnh lây truyền xuyên quốc gia, làm bùng phát nhanh chóng trên các châu lục như ví dụ gần đây của cúm H1N1. Ngoài ra, các vấn đề về nạn đói, khủng hoảng tài chính, thậm chí sự bất ổn về chính trị ở một số nơi lại càng làm cho các vấn đề trở nên phức tạp hơn. 6
  7. Hình 3. Tính liên ngành và xuyên ngành - điều kiện cho sự thành công trong Một sức khỏe Vậy làm thế nào để giải quyết được hài hòa và bền vững những vấn đề này? Các giải pháp cần phải có sự kết hợp của khoa học và kỹ thuật và các hợp tác liên ngành của các bên liên quan - đây là quan điểm của xuyên ngành (transdisciplinarity) đang được thảo luận sôi nổi trong các lĩnh vực nghiên cứu và can thiệp sức khỏe. Xuyên ngành không có nghĩa chỉ là sự có mặt của nhiều chuyên ngành (multi-disciplinarity) hay sự phối hợp liên ngành (inter-disciplinarity) khi cùng phân tích một vấn đề, mà đó là khi tính liên ngành được sử dụng để làm chuyển biến kiến thức khoa học phục vụ cho việc giải quyết một vấn đề thực tế của xã hội (hình 3). Nói một cách khác, xuyên ngành tạo nên được sự phối hợp, hiểu biết, chấp nhận và thông cảm lẫn nhau giữa các kiến thức hàn lâm với nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn) cũng như với giới không hàn lâm (hoạch định chính sách, cộng đồng, kinh nghiệm địa phương, ) trong suốt quá trình nghiên cứu. Xuyên ngành là tiếp cận với các vấn đề thực tế của xã hội và cần tìm ra giải pháp can thiệp, nơi mà sự đóng góp của các chuyên ngành và các bên liên quan tham gia phải được công nhận về giá trị của họ (Hình 3). Chúng tôi cho rằng Một sức khỏe là cách tiếp cận mang tính đa ngành và xuyên ngành rất cao vì nó phối hợp nhiều chuyên ngành (Y tế công cộng, thú y, môi trường, xã hội ) và vấn đề mà Một sức khỏe đang muốn giải quyết là vấn đề quan tâm của toàn xã hội với sự tham gia của nhiều bên liên quan từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhân viên y tế, cộng đồng người dân Các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ động vật sang người chỉ có thể được giải quyết được bởi sự tham gia tích cực của các bên liên quan với một cách tiếp cận toàn diện. Như vậy Một sức khỏe đang có những tiềm năng ứng dụng thực tế để giải quyết vấn đề sức khỏe, làm giảm nguy cơ bệnh tật trên toàn cầu và cần được phát triển và ứng dụng mặc dù có những khó khăn phía trước. Chúng ta đang khám phá thế giới giống như tất cả các thế hệ trước đây đã làm. Thực ra thì bản thân thế giới là như vậy, là 7
  8. tất cả đều đang tồn tại và có quan hệ mật thiết với nhau, và những mối quan hệ đó đã có từ lâu rồi, xuất hiện cùng với sự phát triển của thế giới. Tuy nhiên, gần đây chúng ta mới bắt đầu mô tả và phân tích các mối quan hệ này và từ đó đưa ra các phương án có lợi cho mình - cho con người, chẳng phải chỉ riêng cho sức khỏe, bệnh tật mà cho tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống. Lời cảm ơn Nghiên cứu này được sự hỗ trợ của Trung tâm quốc gia về năng lực nghiên cứu Bắc-Nam (NCCR North-South: RESPOND của chương trình ETP/USAID, chương trình Ecohealth của Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế IDRC và Trung tâm nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ILRI. Tài liệu tham khảo 1. Schelling, E., Wyss, K., Bechir, M., Moto, D. & Zinsstag, J. (2005), "Synergy between public health and veterinary services to deliver human and animal health interventions in rural low income settings", BMJ, 331(1468-5833 (Electronic)), pp. 1264-1267. 2. Zinsstag, J., Schelling, E., Roth, F., Bonfoh, B., de Savigny, D. & Tanner, M. (2007), "Human benefits of animal interventions for zoonosis control", Emerging Infectious Diseases, 13(1080-6040 (Print)), pp. 527-531. 3. Anonymous (2011), "1st Internstional One Health Congress Summary 14-16 February 2011. Accessed on 14/9/2011: www.onehealth2011.com". 4. Anonymous (2011), "The Vietnam integrated national operational program on avian influenza, pandemic preparedness and other emerging infectious diseases (AIPED), 2011-2015: Strengthening responses and improving prevention through a One Health approach". 5. Charron, D. (In press) Ecohealth: origins and approach. IN Charron, D. (Ed.) Ecohealth research in practice: Innovative applications of an ecosystem approach to health. Springer, Ottawa. 6. Coker, R. J., Hunter, B. M., Rudge, J. W., Liverani, M. & Hanvoravongchai, P. (2011), "Emerging infectious diseases in southeast Asia: regional challenges to control", Lancet, 377(9765), pp. 599 - 609. 7. DAH/MARD & GDPM/MOH (2011), "Workshop on prioritization and mapping of activities on zoonotic diseases in Vietnam, Hanoi, 11-12 August 2011". 8. Daszak, P., Cunningham, A. A. & Hyatt, A. D. (2000), "Emerging Infectious Diseases of Wildlife- Threats to Biodiversity and Human Health", Science, 287pp. 443-449. 9. FAO, OIE, WHO, UNSIC, UNICEF & WB (2008), "Contributing to One World, One Health: A Strategic Framework for Reducing Risks of Infectious Diseases at the Animal–Human–Ecosystems Interface". 10. Frenk, J., Chen, L., Bhutta, Z. A., Cohen, J., Crisp, N., Evans, T., Fineberg, H., Garcia, P., Ke, Y., Kelley, P., Kistnasamy, B., Meleis, A., Naylor, D., Pablos-Mendez, A., Reddy, S., Scrimshaw, S., Sepulveda, J., Serwadda, D. & Zurayk, H. (2010), "Health professionals for a new century: transforming education to strengthen health systems in an interdependent world", The Lancet, 376(9756), pp. 1923- 1958. 11. Jones, K., Patel, N., Levy, M., Storeygard, A. & Balk, D. (2008), "Global trends in emerging infectious diseases", Nature, 451pp. 990-993. 8
  9. 12. Kahn, L. H. (2006), "Confronting zoonoses, linking human and veterinary medicine", Emerging Infectious Diseases, 12pp. 556-561. 13. Robertson, J. (2003), "The Economic Costs of Infectious Diseases. Research Note no. 36. 2002-03, Parliament of Australia". 14. Saunders, L. Z. (2000), "Virchow’s contributions to veterinary medicine:celebrated then forgotten now.", Vet.Pathol, 37pp. 199–207. 15. Schwabe, C. (1964, 1984 3rd Edition), Veterinary Medicine and Human Health, Williams and Wilkins, Baltimore. 16. Taylor, L., Latham, S. & Woolhouse, M. (2001), "Risk factors for human disease emergence", Philosophical Transactions of the Royal Society of London Series B Biological Sciences, 356pp. 983-989. 17. Tuyet-Hanh, T. T., Vu-Anh, L., Ngoc-Bich, N. & Tenkate, T. (2010), "Environmental Health Risk Assessment of Dioxin Exposure through Foods in a Dioxin Hot Spot—Bien Hoa City, Vietnam", International Journal of Environmental Research and Public Health, 7pp. 2395-2406. 18. USAID (2011), " ". 19. WHO (2003), "Viet Nam SARS-Free. Accessed on 14/9/2011: ". 20. WHO (2010), Asia Pacific strategy for emerging diseases, World Health Organization, Western Pacific Region, South-East Asia Region, Manila. 21. Wilcox, B. & Colwell, R. (2005), "Emerging and Reemerging Infectious Diseases: Biocomplexity as an Interdisciplinary Paradigm", EcoHealth, 2(4), pp. 244-257. 22. Zinsstag, J. (2007), "Animal health research", Science, 315pp. 1193. 23. Zinsstag, J., Schelling, E., Waltner-Toews, D. & Tanner, M. (2011), "From "one medicine" to "one health" and systemic approaches to health and well-being", Preventive Veterinary Medicine, 101(3-4), pp. 148- 56. 9